Sức hấp dẫn của Vertu với giới nhà giàu
Đăng vào lúc 20/06/2018
12 năm bán ở Việt Nam, điện thoại Vertu không ngừng được khách hàng giàu có săn đón dù giá cả đắt đỏ.
Vertu dừng sản xuất vì vỡ nợ / Vertu: Từ đỉnh cao đến vực thẳm
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Quang Minh – Phó tổng giám đốc Công ty Thương mại FPT (FPT Trading), đơn vị phân phối chính thức điện thoại Vertu tại Việt Nam cho biết, đến lúc Vertu tuyên bố phải đóng cửa nhà máy thì tình hình kinh doanh dòng điện thoại siêu sang này tại Việt Nam vẫn phát triển tốt. Khách hàng vẫn đang liên tục đặt mua.
Tuy nhiên, trước diễn biến mới, nhà phân phối cho biết đã liên hệ với hãng tại Anh để nắm tình hình và triển khai kế hoạch tiếp theo.
“Chúng tôi đã liên hệ với công ty mẹ của Vertu và hiện đang chờ công ty này trả lời về việc tổ chức lại hoạt động trong thời gian tới. Dự kiến trong tuần sau sẽ phải có phản hồi để chúng tôi tính toán lại việc kinh doanh. Hiện công ty đang tạm hoãn giao điện thoại mới trong vài ba ngày cho khách đã đặt hàng để chờ tin, vì nó ảnh hưởng đến chế độ bảo hành”, ông Minh cho biết.
Cũng theo ông Minh, trước mắt hệ thống cửa hàng Vertu chính hãng tại TP HCM và Hà Nội vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, về dài hạn, tình hình sẽ phụ thuộc vào diễn biến mới của nhà sản xuất.
“Công ty Vertu đang tiến hành đàm phán các vấn đề nợ lương nhân viên và chuyển giao cho chủ mới. Kết quả cuối cùng vẫn chưa có nên chúng tôi còn đang phải chờ”, đại diện FPT Trading cho biết thêm.
Trước đó, báo chí quốc tế cho hay, ông chủ Vertu là Murat Hakan Uzan vừa thất bại trong việc cứu Vertu khỏi phá sản khi đề nghị trả các chủ nợ 1,9 triệu bảng trên tổng số nợ 128 triệu bảng. Do đó, các nhà máy của Vertu tại Anh sẽ phải dừng hoạt động, khiến cho 200 nhân viên mất việc. Tuy nhiên, ông Uzan vẫn sẽ giữ lại thương hiệu Vertu, công nghệ và giấy phép thiết kế. Theo một nguồn tin thân cận, ông chủ Vertu đã có kế hoạch khôi phục lại thương hiệu này.
Vertu được Nokia thành lập vào năm 1998. Đến đầu năm 2006, Vertu chính hãng bắt đầu được phân phối tại Việt Nam bởi Công ty TNHH Phân phối Sản phẩm Viễn thông FPT, nay là FPT Trading, thông qua 3 cửa hàng sang trọng tại TP HCM và Hà Nội. Bản thân FPT cũng đã 2 lần chứng kiến thương hiệu Vertu được đổi chủ và qua những lần này, tiêu thụ Vertu ở Việt Nam vẫn tăng.
Tháng 6/2012, Nokia bán lại Vertu cho quỹ EQT Partners AB (Thụy Điển). Đại diện nhà phân phối FPT lúc đó cho biết việc sang nhượng nhằm để tập trung nguồn lực cho nhà sản xuất và không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Đến năm 2015, Vertu được EQT Partners AB sang tay cho quỹ đầu tư Godin Holdings (Hong Kong). Diễn biến khi ấy cũng không ảnh hưởng gì đến hoạt động của FPT. Thậm chí, Phó chủ tịch của Vertu khi ấy còn gửi thư thông báo và cam kết giữ nguyên mọi hỗ trợ với Vertu Việt Nam, đồng thời mong muốn sự hợp tác của FPT và Vertu ngày càng phát triển.
Sở dĩ Vertu chăm sóc chu đáo thị trường Việt Nam bởi sau bao sóng gió, kể cả đến lúc thua lỗ phải đóng cửa nhà máy, Việt Nam vẫn hiện là thị trường phát triển rất tích cực của hãng. Ông Nguyễn Quang Minh từ chối tiết lộ doanh số trong nửa đầu năm nhưng khẳng định tình hình kinh doanh vẫn rất tốt. “Việt Nam luôn nằm trong top thị trường tiêu thụ tốt của hãng. Nửa đầu năm nay cũng vậy. Hiện nay chúng tôi vẫn còn các khách đang đặt hàng”, vị này tiết lộ.
Tại Việt Nam, dòng Signature S theo hướng cổ điển và Aster - smartphone đều bán rất chạy. Vertu Signature S được các doanh nhân, chủ doanh nghiệp ưa chuộng. Trong khi đó, Aster dành cho khách hàng trẻ hơn, có thu nhập tốt.
Tính đến cuối năm 2016, doanh thu của dòng điện thoại này vẫn duy trì tăng trưởng đều đặn trong hơn một thập niên được phân phối chính thức, bất chấp cơn bão điện thoại thông minh. Cùng với Hong Kong, Singapore, Việt Nam được đánh giá là một trong các thị trường quan trọng nhất của Vertu tại châu Á - Thái Bình Dương.
Ba mẫu điện thoại từng được Vertu sản xuất dành riêng cho thị trường Việt Nam với giá khởi điểm là 345 triệu đồng.
Trong năm ngoái, Vertu còn sản xuất ba phiên bản Bespoke của dòng Signature S dành riêng cho các khách hàng Việt. Trong đó, rẻ nhất là phiên bản Ceramic Black với giá cơ bản là 345 triệu đồng. Đắt nhất là phiên bản Red Gold Clous De Paris với giá khởi điểm từ 990 triệu đồng. Giá chưa bao gồm các tùy chọn về màu da, vật liệu trong 3 triệu tùy chọn mà hãng cho phép các "khách quý" người Việt cân nhắc để cá nhân hóa chiếc điện thoại xa xỉ của mình.
Hay như mẫu Vertu Aster Chevron giá 5.000 USD thậm chí còn cháy hàng khi vừa mới bán ra tại Việt Nam vào năm 2016.
“Định hướng của Vertu là dòng sản phẩm cao cấp, không chỉ phục vụ các CEO mà còn là người dùng trẻ. Chẳng bao giờ có chuyện, một thanh niên lái xe Porsche, mang túi Hermes, đeo đồng hồ Audemars Piguet, lại chỉ dùng một chiếc điện thoại bình thường. Một chiếc điện thoại Vertu với các tiêu chuẩn vượt trội về thủ công, chất lượng và dịch vụ mới là sự lựa chọn ý tưởng cho anh ấy”, ông Nicholas Holt – Tổng giám đốc Vertu khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhận xét khi nói về triển vọng của Vertu tại Việt Nam vào cuối năm ngoái.
Viễn Thông